Nhiều giải pháp mới thúc hạ tầng giao thông phát triển

Hà Nội và TP HCM phải có từ 6-8 tuyến đường sắt trên cao mới giải quyết được ùn tắc trong nội đô.

Nhiều giải pháp mới thúc hạ tầng giao thông phát triển

Dù khó khăn về vốn nhưng ngành GTVT vẫn nỗ lực xây dựng và đưa vào sử dụng nhiều công trình giao thông hiện đại (Trong ảnh: Một góc nhà ga hành khách T2 Nội Bài khánh thành 4/1/2015) - Ảnh: Phạm Tuấn
Chia sẻ với Báo Giao thông, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho rằng, nguyên nhân hạ tầng giao thông của Việt Nam có sự đột phá lớn, trước tiên được Đảng, Nhà nước xác định đây là một trong ba khâu đột phá chiến lược. Để hiện thực hóa mục tiêu này, ngành GTVT đã tập trung phát triển có trọng điểm và có nhiều giải pháp mới.

Vốn ngoài ngân sách cho giao thông sẽ chiếm tỷ trọng từ 50 - 60%

Theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), chỉ số cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam về chất lượng cơ sở hạ tầng GTVT tăng 36 bậc. Thứ trưởng có thể lý giải vì sao lại có sự thăng hạng ngoạn mục như vậy?

Đột phá về cơ sở hạ tầng giao thông trước tiên là nhờ giao thông được Đảng, Nhà nước xác định là một trong ba khâu đột phá chiến lược. Để thực hiện mục tiêu này, ngành GTVT đã tập trung có trọng điểm vào một số vấn đề.

Đầu tiên là đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, được thể hiện trong 5 lĩnh vực: Đường bộ, đường sắt, hàng hải, hàng không, đường thuỷ. Mỗi lĩnh vực đều được ưu tiên đầu tư ở những khâu thiết yếu nhất. Như đối với đường bộ, tập trung phát triển tuyến Bắc - Nam, QL14 qua Tây Nguyên, phát triển giao thông đô thị và các tuyến kết nối Hà Nội với các tỉnh phía Bắc và TP HCM với các tỉnh phía Nam bằng các tuyến cao tốc.

Đối với hàng không, ngành GTVT tập trung phát triển hệ thống sân bay. Đặc biệt là các sân bay quốc tế để đáp ứng được hạ tầng cho các loại máy bay lớn, từ loại A320 trở lên. Bên cạnh đó, nâng khả năng thông qua của hai sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất, đạt từ 25 triệu khách trở lên. Đối với cảng biển, tập trung xây dựng các cảng nước sâu, ở các khu vực trọng điểm. Với đường sắt, tập trung nâng tốc độ chạy tàu, đảm bảo được thời gian, rút ngắn thời gian chạy tàu.

13 0436

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường

Điểm nổi bật nhất của ngành GTVT trong thời gian qua là đã linh hoạt huy động được một nguồn vốn lớn lên đến hơn 200 nghìn tỷ đồng từ vốn ngoài ngân sách để đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông. Thứ trưởng có thể cho biết, tới đây việc xã hội hóa (XHH) sẽ được Bộ GTVT tiếp tục triển khai như thế nào?

Trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, trong khi nhu cầu vốn cho hạ tầng giao thông rất lớn nên việc kêu gọi XHH là con đường tất yếu. Thực tế, những năm qua, ngành GTVT đã triển khai rất hiệu quả, khi chỉ trong thời gian ngắn kêu gọi được một lượng vốn khổng lồ, triển khai hàng chục dự án BOT. Để thu hút được một nguồn lực rất lớn ngoài xã hội tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, Bộ GTVT đã trình Chính phủ phương án XHH để đầu tư cơ sở hạ tầng. Bộ đã lập đề án tổng thể để phát triển hệ thống đường bộ, đường sắt, hàng không thông qua hình thức BOT. Theo đó, Nhà nước sẽ hỗ trợ doanh nghiệp bằng cơ chế chính sách để nhà đầu tư giảm rủi ro nhất và được bảo đảm về lợi ích khi đầu tư.
 

Chắc chắn trong thời gian tới, nhu cầu vốn cho hạ tầng giao thông vẫn rất lớn. Trong bối cảnh nguồn lực từ nhà nước rất hạn hẹp, không còn con đường nào khác là phải tiếp tục thực hiện XHH mạnh mẽ hơn. Dự kiến, vốn ngoài ngân sách sẽ chiếm tỷ trọng lớn, từ 50 - 60% để đầu tư hạ tầng giao thông.

12
QL1 qua huyện Phong Điền - TT Huế sau khi hoàn thành nâng cấp, mở rộng - Ảnh: Ích Tín

Thách thức lớn không những về vốn mà còn là quy hoạch

Theo bảng xếp hạng của WEF, dù gần đây Việt Nam thăng hạng nhanh nhưng so với các nước trong khu vực chúng ta mới chỉ cao hơn 4 nước. Để tiếp tục cải thiện hạ tầng giao thông, tăng chỉ số cạnh tranh, tới đây Bộ GTVT sẽ ưu tiên thực hiện những giải pháp gì?

Thủ tướng Chính phủ nhiều lần thể hiện quyết tâm phấn đấu đưa Việt Nam vào nhóm ASEAN- 4 trong thời gian tới. Để làm được điều đó, chúng ta cần tiếp tục đầu tư mạnh vào hạ tầng giao thông. Nếu tính theo bình quân đầu người, số km đường cao tốc ở nước ta còn thấp. Cả nước chỉ có 700 km trong khi Thái Lan, Malaysia đã có trên 2.000 km. Chúng ta đang phấn đấu đến năm 2020 đạt được mức đó.

Đối với giao thông đô thị, đến nay chúng ta cũng chưa giải quyết được vấn đề ùn tắc giao thông. Phải phấn đấu Hà Nội và TP HCM có từ 6 - 8 tuyến đường sắt trên cao mới giải quyết được cơ bản ùn tắc trong nội đô. Nạn ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn vẫn là một thách thức nên cần phải tiếp tục có bước nhảy vọt về hạ tầng. Tuy nhiên, đó cũng là một thách thức lớn không những về vốn mà còn là quy hoạch. Quy hoạch bài bản, hợp lý mới đạt được các yếu tố của một đất nước công nghiệp.

Theo Thứ trưởng, vấn đề quy hoạch tổng thể sẽ được thực hiện như thế nào trong thời gian tới để khai thác tối đa hiệu quả của các công trình giao thông?

Hiện nay, chúng ta có thuận lợi là Quốc hội sắp thông qua Luật Quy hoạch. Khi thông qua Luật Quy hoạch, các quy hoạch nói chung sẽ được rà soát, chấn chỉnh lại. Trên cơ sở đó quy hoạch giao thông sẽ gắn với quy hoạch của địa phương và tổng thể chung của đất nước.

Khi đó, chúng ta sẽ có điều kiện quy hoạch đồng bộ, gắn kết các lĩnh vực khác nhau, không chỉ về hạ tầng giao thông mà còn cả bưu chính viễn thông, hạ tầng của các dịch vụ khác. Khi tạo được sự tổng thể, việc nâng hạng mới bền vững, nếu không sẽ bị dừng lại hoặc xuống hạng khi không có quy hoạch.

Cảm ơn Thứ trưởng!

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Hỗ trợ trực tuyến
Kinh doanh
Hotline
081.336.5556 - 0865.389.586
Bản đồ
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây